Tìm hiểu bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tìm hiểu bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

    Xuất xứ:

    Rút trong Nhật kí trong tù. Đó là bài thứ hai trong chùm thơ 5 bài được Bác sáng tác trong chặng đường bị giải từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo (Đi đường,Chiều tối, Đêm ngủ ở Long Tuyền, Điền Đông, Mới đến nhà lao Thiên Bảo.)

    Đề tài:

    Quen thuộc(Vãn cảnh, vãn…). Bài thơ hướng về miêu tả thiên nhiên, miêu tả cuộc sống bình dị của con người. Nhưng điều quan trọng của tác phẩm là cội nguồn của cái nhìn trìu mến là tình yêu thương rộng lớn của Bác luôn dành cho mọi sự sống chân chính ở trên đời.

    Chủ đề:

    Qua bức tranh chiều tối nhưng rực sáng tình cảm ấm áp của con người, nhà thơ thể hiện niềm tin tưởng mãnh liệt vào cuộc sống.

    Nội dung văn bản:
    Bức tranh thiên nhiên:


    Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
    Cô vân mạn mạn độ thiên không.

    (Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,
    Chòm mây lẻ trôi lững lờ trên tầng không)

    Chim, mây, rừng, cây gợi nhắc thi tứ cổ xưa (Lý bạch – Độc toạ Kính Đình Sơn). Chim bay trong trạng thái mỏi mệt, mải miết bay về chốn ngủ. Người đi dường như tìm thấy sự đồng cảm trong cánh chim mỏi-biểu hiện của sự sống chân chính. Chòm mây trôi chầm chậm như có hồn, như mang tâm trạng: cô đơn, lặng lẽ giữa không gian rộng lớn.
    Hai câu thơ miêu tả cảnh bầu trời với một không gian rộng lớn, êm ả về chiều và mở ra cả một không gian tâm trạng: cảnh buồn, người buồn. Nhưng trong buổi chiều muộn còn còn có cả một tâm hồn chan chứa tình yêu đối với cuộc sống, đang dõi mắt theo cánh chim, chòm mây, bất chấp cái mỏi mệt đang thấm vào người và cả gông cùm, xiềng xích. Đó cũng chính là khát vọng tự do, tình yêu cuộc sống, vẻ đẹp tâm hồn của người tù.

    Bức tranh sự sống con người:
    Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
    Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

    (Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
    Ngô xay vừa xong, lò than đã đỏ)

    Hai câu thơ tiếp tục tái hiện quá trình vận động của thời gian và không gian.Cảm quan biện chứng về thời gian thấm vào hình ảnh người thiếu nữ xay ngô. Hình ảnh chân thực,giản dị, với công việc lao động khoẻ khoắn, đã đem lại cho bài thơ một sức sống nồng nàn, ấm áp. Người con gái lao động ở vị trí trung tâm bức tranh dường như xoá đi mọi cái buồn, sự mỏi mệt và bóng tối và làm bừng lên ánh sáng ấm áp, niềm vui, và sự khoẻ khoắn tuyệt đẹp.
    Hình tượng thơ vận động theo xu thế phát triển: màu hồng ở cuối bài thơ nhuốm hồng cả bóng đêm, cả thân hình, lao động của cô gái và làm rực sáng cả bài thơ.
    Ngày tàn nhưng không hề tăm tối, quạnh hiu, con ngời đã thắp lên ngọn lửa, tạo nên ánh sáng. Hình tượng trong bài thơ vận động khoẻ khoắn, bất ngờ mang lại niềm vui bình dị cho người tù xa xứ,cho con người. Nó giúp xoá đi bao nỗi đau đớn bị đày đoạ và cô đơn. Nếu không có tình cảm yêu thương tha thiết dành cho cuộc sống thì làm sao Bác có được cái nhìn tin yêu như vậy giữa đất người xa lạ.

    Tổng kết:

    Nội dung: Bài thơ không chỉ miêu tả thiên nhiên một buổi chều ở vùng sơn cước mà còn toát lên hình tượng nhân vật trữ tình có tấm lòng yêu thương rộng lớn: luôn nâng niu, trân trọng mọi sự sống trên đời, luôn lạc quan, hướng ra ánh sáng. Bộc lộ cái nhìn biện chứng về thời gian, cuộc sống, với tình yêu tha thiết thiên nhiên, con người làm nên giá trị cho tác phẩm
    Nghệ thuật: Thể thơ tứ tuyệt chuẩn mực, đậm nét cổ thi và màu sắc hiện đại, hình ảnh chọn lọc, sử dụng từ ngữ độc đáo (nhãn tự). Miêu tả thiên nhiên, tâm trạng với caí nhìn biện chứng và đôi mắt tin yêu cuộc sống thiết tha.