Tìm hiểu văn bản Ý nghĩa văn chương của Hoài Thanh

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    I. TÌM HIỂU CHUNG:

    1. Tác giả, tác phẩm:

    – Hoài Thanh (1909 – 1982): quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc. Tỉnh Nghệ An, là một nhà phê bình văn học xuất sắc.
    – Văn bản được viết 1936 in trong sách “Văn chương và hành động” Có lần in lại đã đổi nhan đề “Ý nghĩa và công dụng của văn chương”.

    Bố cục:

    Văn bản này bố cục gồm mấy phần? Nội dung từng phần?

    Có thể chia làm 2 phần:
    – Phần 1: “Từ đầu … muôn loài”: Nguồn gốc của văn chương.
    – Phần 2: “Còn lại”: Phân tích, chứng minh ý nghĩa, công dụng của văn chương đối với đời sống con người.

    II. TÌM HIỂU VĂN BẢN:

    1. Nguồn gốc cốt yếu của văn chương:

    Mở đầu bài viết có gì đáng chú ý?

    – Mở đầu bài viết, tác giả kể một câu chuyện về nhà thi sĩ Ấn Độ khóc nức nở khi thấy một con chim bị thương rơi … bên chân mình.

    Tác giả kể câu chuyện ấy nhằm dụng ý gì?

    – Nhằm dẫn vào đề.

    Nhận xét cách vào đề của nhà văn?

    – Cách vào đề bất ngờ mà rất tự nhiên, hấp dẫn và xúc động. Ông kể một câu chuyện nhỏ để dẫn dắt tới luận điểm.
    – Vào đề bằng một câu chuyện bất ngờ. Nhưng càng bất ngờ hơn vì lẽ đó chỉ là một câu chuyện hoang đường. Tác giả kể không phải để người đọc hiểu chuyện mà để khái quát vấn đề sẽ bàn luận.

    Mượn câu chuyện để đưa đến luận điểm. Vậy luận điểm đó là gì?

    – Tác giả đưa luận điểm là nêu lên nguồn gốc cốt yếu của văn chương. Theo Hoài Thanh “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật, muôn loài”.

    Tác giả quan niệm như vậy đã đúng chưa? Em hãy dẫn chứng?

    – Đúng. Nó được chứng minh trong thực tế văn chương của nước ta:
    – Nguyễn Du viết Truyện Kiều là dựa trên cảm hứng: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
    – Bà Huyện Thanh Quan viết Qua đèo Ngang cũng bởi vì nhớ nước, thương nhà …
    * Quan niệm của Hoài Thanh đúng nhưng chưa đủ, ngoài ra còn có các quan niệm khác:
    – Văn chương bắt nguồn từ lao động (Lỗ Tấn – phái Dôta, đây là trường phái văn học sớm nhất loài người khi học kéo gỗ, chặt cây).
    – Văn chương bắt nguồn từ nhu cầu giải thoát của con người trong cuộc sống. Hiện nay, nguồn gốc của văn chương vẫn đang là một vấn đề chưa được thống nhất. Các quan niệm trên tuy khác nhau nhưng bổ sung cho nhau.

    2. Nhiệm vụ và công dụng của văn chương:

    Nhiệm vụ:

    – Hình dung sự sống.
    – Sáng tạo ra sự sống.

    Theo Hoài Thanh, nhiệm vụ của văn chương là gì?

    – Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng.
    – Văn chương còn sáng tạo ra sự sống.

    Em hiểu như thế nào về nhiệm vụ ấy? Nêu ví dụ minh hoạ?

    Văn chương hình dung sự sống muôn hình vạn trạng: cuộc sống của con người là muôn hình muôn vẻ. Văn chương có nhiệm vụ phản ánh cuộc sống đó. Đối tượng của văn chương là thiên nhiên, thế giới tâm hồn con người qua cảm nhận của nhà văn rồi tái hiện trên trang giấy: Chúng ta thấy được cuộc sống của người dân Việt Nam xưa còn vất vả, gian lao qua những câu ca dao; thấy được đất nước tươi đẹp qua Sông nước Cà Mau …
    – Văn chương còn sáng tạo sự sống. Văn chương đã dựng lên những hình ảnh, đưa ra những ý tưởng mà cuộc sống hiện tại chưa có hoặc chưa cần để mọi người phấn đấu. Nhà văn là người sáng tạo tìm tòi thể hiện cái mới bằng hình tượng ngôn từ chứ không phải là người chụp ảnh cuộc đời: thế giới loài vật trong Dế mèn phiêu lưu kí …
    Ví dụ: Những con chim báo bão, …

    Công dụng:

    Theo Hoài Thanh, công dụng của văn chương là gì? Tác giả dẫn chứng như thế nào?

    – Văn chương giúp cho người đọc có tình cảm và lòng vị tha (vì xuất phát từ tình cảm nên công dụng của văn chương cũng hướng chủ yếu vào tình cảm).
    – Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có (Vd: Sài Gòn tôi yêu: chưa đến nhưng đã yêu, đến rồi càng yêu hơn …).

    Theo em, đặc sắc nghị luận của văn bản là gì? Dẫn chứng?

    – Vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc, hình ảnh (đoạn đầu).

    III. LUYỆN TẬP:

    Câu 1: Đối tượng mà văn bản ý nghĩa của văn chương bàn đến là gì?
    Câu 2: Theo Hoài Thanh, nguồn gốc cốt yếu của văn chương là gì?
    Câu 3: Theo Hoài Thanh, văn chương có công dụng gì?
    Câu 4: Qua văn bản, em thấy tác giả là người như thế nào?
    Câu 5: Hãy lấy năm dẫn chứng làm sáng tỏ luận điểm của Hoài Thanh về nguồn gốc cốt yếu của văn chương.
    Câu 6: Bằng kiến thức đã học trong chương trình SGK Ngữ văn 7, em hãy chúng minh rằng “Công dụng của văn chương cũng là giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha.”
    Câu 7: Theo em, văn chương muốn có được “mãnh lực lạ lùng” đến người đọc phải đảm bảo những yêu cầu nào?